Bộ đổi nguồn là gì? Đây là câu hỏi thường được đặt ra khi khách hàng lần đầu sử dụng các thiết bị nội địa Nhật, Mỹ và được người bán hàng tư vấn mua kèm bộ đổi nguồn. Vậy thiết bị này là gì? Có thực sự cần thiết để bạn phải bỏ thêm chi phí?
Bộ đổi nguồn là gì?
Bộ đổi nguồn hay còn gọi là biến áp đổi nguồn, biến áp tự ngẫu là máy dùng để tăng áp hoặc giảm áp trong dải điện áp 110 – 115 – 120V và điện áp trong dải 220 – 230 – 240V.
Bộ đổi nguồn dùng cho các thiết bị điện như nồi cơm điện, máy giặt, tủ lạnh,… nhập khẩu từ Mỹ có tiêu chuẩn điện áp đầu vào là 120V, thiết bị điện nhập khẩu từ Nhật có điện đầu vào là 100V.
Nguồn điện dân dụng tại Việt Nam có điện áp là 220V, vì vậy cần phải có thiết bị bộ đổi nguồn để sử dụng cho các thiết bị điện nhập khẩu này. Để đồ điện nội địa nước ngoài có thể hoạt động trơn tru, bảo đảm an toàn điện.
Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của bộ đổi nguồn
Cấu tạo bộ đổi nguồn
Cấu tạo của bộ đổi nguồn không khác nhiều so với các loại máy biến thế khác, cũng gồm 3 phần chính là lõi thép, cuộn dây, vỏ máy. Tuy nhiên, điểm khác biệt của bộ đổi nguồn đó là chỉ sử dụng một cuộn dây duy nhất thay vì dùng cuộn sơ cấp và thứ cấp riêng biệt.
Bên trong biến áp đổi nguồn, các phần của cùng một cuộn dây hoạt động như hai phía sơ cấp và thứ cấp của máy. Giữa hai phần sơ cấp và thứ cấp của đổi nguồn ghép với nhau cả về mặt từ lẫn mặt điện, nên không có sự cách ly điện giữa mạch chính và mạch thứ cấp. Bất cứ điểm nào trên các vòng dây đều có điện áp của lưới (220V so với đất).
Các phần sơ cấp và thứ cấp chỉ là các đoạn trích số vòng dây theo tỷ lệ. Tỷ số điện áp chính là tỷ lệ các vòng dây. Ví dụ 220 vòng/10 vòng cho ta 220V/10V.
Vì chỉ có một cuộn dây, bộ đổi nguồn thường nhỏ hơn, nhẹ hơn và rẻ hơn so với các máy biến áp cuộn kép điển hình.
Nguyên lý hoạt động của bộ đổi nguồn
Bộ đổi nguồn hoạt động theo nguyên lý từ trường biến thiên trên cùng 1 cuộn dây dẫn. Khi dòng điện xoay chiều có điện áp nhất định được đưa vào cuộn sơ cấp tạo ra từ trường biến thiên nằm giữa các lõi dây. Từ trường tạo ra một sức điện động làm biến thiên hiệu điện thế ở cuộn sơ cấp thành hiệu điện thế ở cuộn thứ cấp. Điện áp của dòng điện xoay chiều dao động dựa vào sự chênh lệch giữa số vòng dây cuốn các cuộn sơ cấp và thứ cấp. Do đó, bộ đổi nguồn có thể hoạt động tăng áp hoặc hạ áp tùy theo số vòng dây được cuốn.
Biến áp đổi nguồn chỉ có chức năng thay đổi hiệu điện thế mà không thay đổi tần số và cường độ dòng điện. Do đó, đổi nguồn thường được sử dụng phổ biến và rộng rãi hơn so với biến áp cách ly vì công dụng và chức năng tương tự nhau, chí phí tiết kiệm hơn.
Ưu điểm và nhược điểm của bộ đổi nguồn
Ưu điểm
Bộ đổi nguồn có kích thước và trọng lượng nhỏ chỉ bằng một nửa so với máy biến áp 2 cuộn dây có cùng thông số. Vì vậy, tiết kiệm chi phí sản xuất, giá rẻ hơn.
Biến áp đổi nguồn có hiệu năng sử dụng cao. Lý do là vì tổn thất thuần trở và tổn thất lõi từ ít hơn, điều này xuất phát từ việc giảm thiểu nguyên liệu chế tạo máy.
Có thể sử dụng được cho tất cả các thiết bị điện dân dụng và công nghiệp.
Nhược điểm
Bộ đổi nguồn thông thường không có khả năng chống giật, chống nhiễu, chống xung… Quý khách hàng cần những tính năng này thì phải mua sản phẩm biến áp cách ly.